Việt Nam tính đường dài cho gạo xuất khẩu

Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, mùa màng thất bát khiến giá gạo toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm qua. Đây thực sự là cơ hội cho những quốc gia chuyên sản xuất lúa gạo xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đóng thùng container xuất khẩu gạo đi các nước châu Phi - Ảnh: B.ĐẤU

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đóng thùng container xuất khẩu gạo đi các nước châu Phi – Ảnh: B.ĐẤU

Dù vậy, để nắm bắt cơ hội đó, một vấn đề lớn đang đặt ra, đó là chúng ta cần phải quy hoạch vùng trồng như thế nào để vừa cung ứng đủ lương thực cho 100 triệu dân trong nước, vừa ổn định nguồn cung xuất khẩu ra thế giới, đem về nguồn thu nhập đáng kể và bền vững cho ngân sách.

43 triệu tấn thóc/năm

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), diện tích lúa nước ta chiếm 82% diện tích đất canh tác toàn quốc. Trong đó, khoảng 52% sản lượng lúa được sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 18% ở Đồng bằng sông Hồng. Riêng ĐBSCL là vựa lúa gạo của cả nước và thế giới với hơn 50% sản lượng gạo, chiếm 90% sản lượng xuất khẩu gạo cả nước.

Là nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới với trung bình 6 – 7 triệu tấn/năm, Việt Nam góp phần đáng kể trong đảm bảo an ninh lương thực cho toàn cầu. Theo ông Nguyễn Như Cường – cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cơ bản sản xuất lúa của Việt Nam ổn định theo kế hoạch, khoảng 43 triệu tấn thóc/năm.

“Tuy năm nay không đạt tới 43,5 triệu tấn thóc, nhưng sản lượng xuất khẩu tương đương năm 2022. Tức là sau khi đã dành cho tiêu dùng trong nước, dự trữ giống, dự trữ gạo, phục vụ sản xuất, chăn nuôi… chúng ta còn dư khoảng 6 – 6,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu ra thế giới”, ông Cường cho biết.

Khi giá gạo thế giới tăng cao, có ý kiến lo ngại nếu chạy theo nhu cầu xuất khẩu để thu lợi nhuận có thể xảy ra tình huống mất cân đối cung – cầu trong ngành lúa gạo, nhưng ông Cường cho rằng sẽ rất khó xảy ra điều đó vì chỉ đạo của Chính phủ, Nhà nước ưu tiên cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu rất có kế hoạch, sát sao.

“Trong bất cứ trường hợp rủi ro nào, Nhà nước sẽ cân đối và ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), đánh giá gạo ở các nước châu Á; bánh mì, lúa mạch ở châu Âu chỉ là một trong những yếu tố cơ bản trong chuỗi an ninh lương thực phải đặt lên hàng đầu.

“Dịch bệnh, khí hậu, thiên tai là điều không thể nói trước nhưng có thể dự đoán vì tình hình càng ngày càng xấu đi… dẫn đến không đủ gạo ăn. Nhưng từ nguồn dự trữ quốc gia, gạo Việt Nam hôm nay, mai hoặc ngày kia, thậm chí 10 – 15 năm nữa vẫn luôn đảm bảo nguồn cung lương thực, thậm chí ở mức dư thừa xuất khẩu.

Vì thế dù khó khăn, nhưng đó là cơ hội để Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo và mang về những con số tươi sáng”, ông Bình cho biết.

Xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỉ USD trong nửa đầu năm 2023 - Nguồn: Bộ NN&PTNT - Dữ liệu: Thảo Thương - Đồ họa: T.ĐẠT

Xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỉ USD trong nửa đầu năm 2023 – Nguồn: Bộ NN&PTNT – Dữ liệu: Thảo Thương – Đồ họa: T.ĐẠT

Có cần mở thêm diện tích lúa?

Với nhu cầu tăng cao, ngoài đảm bảo sản lượng, các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng. Để đảm bảo cả hai yêu cầu này, có nhiều việc ngành lúa gạo Việt Nam cần tính đến.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở tỉnh An Giang, chúng ta không cần mở rộng diện tích trồng lúa, mà nên đầu tư vào chuỗi sản xuất, tập trung cho cánh đồng lớn.

Vị này cho hay: “Việc sản xuất và xuất khẩu gạo bền vững không có nghĩa phải trồng nhiều, trồng diện tích lớn mà cần xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín. Tức là doanh nghiệp sản xuất lúa gạo theo chuỗi, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các cánh đồng lớn ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra cần có sự liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, kiểm soát quy trình từ khâu trồng trọt đến phân loại lúa khi thu hoạch, chế biến tại nhà máy và xuất khẩu gạo”.

Bản thân doanh nghiệp ở An Giang này cũng đã nâng kim ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian qua bằng cách chú trọng chất lượng và độ thuần cao, chia nhỏ gói gạo xuất khẩu

Là công ty xuất khẩu gạo thơm sản lượng rất lớn, bà Lê Hoàng Đài Trang, chủ tịch HĐQT Công ty CP Gavi, nhận định nguồn cung lương thực trên toàn cầu đang sụt giảm mạnh.

Bà nói: “Đây là cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt là cây lúa, bước vào chu kỳ phát triển bền vững. Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định.

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt hơn 2,952 triệu ha, bằng hơn 98% vụ đông xuân năm trước. Vì thế Việt Nam cần đạt mục tiêu quy hoạch vùng trồng lúa ổn định với diện tích 3,5 triệu ha đến năm 2030 theo nghị quyết của Quốc hội”.

Cũng theo bà chủ tịch HĐQT Công ty CP Gavi, Chính phủ cần tập trung vào ĐBSCL, vựa lương thực của cả nước, nơi hiện có dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai trên 1,7 triệu ha diện tích canh tác lúa.
Bà Trang cũng lưu ý thêm là người nông dân nên giữ ổn định vùng trồng lúa, liên kết với mô hình hợp tác xã để tiến tới tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL khi Chính phủ ban hành.

Thêm uy tín cho gạo xuất khẩu

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngành lúa gạo ngoài việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh còn cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu quốc gia.

“Người tiêu dùng ở thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín, rồi mới quan tâm giá bán. Vì vậy doanh nghiệp cần đầu tư giống mới, sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao thay cho trồng loại gạo trắng bình thường mang lại giá trị thấp.

Ngoài ra, để đi đường dài trong việc xuất khẩu đi khắp thế giới, gạo Việt cần chú ý tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu”, đại diện hiệp hội cho hay.

Related Posts